Trong nhóm doanh nghiệp dược đã công bố KHKD năm 2020 thì hầu hết đều dự tính doanh thu tăng trưởng hoặc giảm nhẹ. Trong đó đáng chú ý nhất là mức tăng trưởng về doanh thu cao của Dược phẩm Imexpharm (IMP), doanh nghiệp này dự tính doanh thu 2020 đạt 1.750 tỷ đồng tăng 23% so với thực hiện 2019.
Imexpharm hiện là một trong số doanh nghiệp hiếm hoi có nhà máy theo tiêu chuẩn GMP-EU. Trong cơ cấu hàng của Imexpharm thì doanh thu hàng do Công ty tự sản xuất và phân phối chiếm 89%, hàng nhượng quyền chiếm 11%. Trong quý 1/2020, Imexpharm đã dự phòng nguyên vật liệu để đảm bảo đủ nguyên vật liệu sản xuất, đủ hàng hóa cung ứng ra thị trường trong tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 làm đảo lộn chuỗi cung ứng toàn cầu.
Về kế hoạch mở rộng sản xuất, nhà máy công nghệ cao Bình Dương dự kiến sẽ được xét duyệt EU và cấp chứng nhận EU-GMP vào cuối quý III2020. Doanh nghiệp dự kiến đi vào vận hành thương mại quý IV/2020. Đối với nhà máy Dược liệu và trung tâm kiểm nghiệm ở Đồng Tháp được triển khai cuối năm 2019, dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2020 nhằm thực hiện mục tiêu đa dạng hóa các dòng sản phẩm của IMP cho thị trường OTC, cũng như tăng cường công tác kiểm định chất lượng đầu ra cho các sản phẩm IMP.
Tiếp đó Traphaco (TRA) cũng đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu năm 2020 đạt 17%, Công ty sẽ tập trung đầu tư sản xuất các sản phẩm tân dược trong giai đoạn 2020-2025. Năm 2020, Công ty tiếp nhận chuyển giao công nghệ đối với 10-15 sản phẩm mới từ đối tác Daewoong. Đồng thời, công ty tiếp tục tìm kiếm, mở rộng các đối tác chiến lược để nhận chuyển giao, đa dạng hóa sản phẩm, phục vụ chiến lược phát triển sản phẩm tân dược.
Các doanh nghiệp SPM, PMC và LDP cũng dự tính tăng trưởng từ 1-8% trong khi đó ở chiều ngược lại OPC là doanh nghiệp dược đang dự tính doanh thu 2020 giảm sâu 18% tiếp đó là mức giảm 8% của AMV và 2 ông lớn Dược Hậu Giang và Dược Hà Tây dự tính doanh thu đi ngang trong năm 2020.
Trong báo cáo mới đây, Chứng khoán Bản Việt (VCSC) bày tỏ lo ngại dịch virus corona (CoV) có thể sẽ ảnh hưởng hoạt động sản xuất hoạt chất đầu vào (API) tại Trung Quốc, từ đó giảm biên lợi nhuận gộp của các sản phẩm tự sản xuất của Dược Hậu Giang (DHG) trong năm 2020. Mặt khác, sự phụ thuộc cao vào kênh nhà thuốc đầy cạnh tranh và danh mục sản phẩm ít khác biệt sẽ hạn chế tăng trưởng doanh thu của DHG.
IMP dự tính lãi tăng cao trong khi OPC lãi giảm sâu 31%
Cùng với mức tăng trưởng cao về doanh thu Dược phẩm Imexpharm (IMP) đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 260 tỷ đồng tăng 28,4% so với năm 2019.
Ngay sau đó là SPM sau khi lãi gần 12 tỷ đồng trong năm 2019 chưa hoàn thành KHKD thì sang năm 2020 SPM đặt mục tiêu đạt 15 tỷ đồng tương ứng tăng 28% so với 2019. Công ty cho biết năm 2020 dự tính cơ cấu danh mục sản phẩm theo hướng chất lượng và sinh lợi nhuận bên cạnh đầu tư công nghệ mới. Mở rộng thị trường quốc tế; tăng bao phủ toàn bộ các tỉnh thành cả nước; Đầu tư phát triển thương hiệu mới; tạo lực để những thương hiệu đã có tiếp tục dẫn đầu trong cả nước...
AMV mặc dù có doanh thu giảm nhưng LNTT dự tính sẽ tăng 10% đạt 245 tỷ đồng, năm 2020 công ty cho biết sẽ đẩy mạnh triển khai các dự án bán hàng, liên kết thiết bị y tế và đầu tư trung tâm xét nghiệm.
Tiếp đó Traphaco đặt mục tiêu lãi tăng 5% đạt 180 tỷ đồng, công ty định hướng chiến lược tập trung đầu tư sản xuất các sản phẩm tân dược với mục tiêu doanh thu tăng trưởng bình quân 20%/năm từ nay đến 2025. Dược Hậu Giang (DHG) tỏ ra thận trọng khi đặt kế hoạch lãi 720 tỷ đồng gần như đi ngang trong năm 2020.
Ở chiều ngược lại OPC đặt mục tiêu lãi chỉ 90 tỷ đồng giảm 31% so với kết quả thực hiện được của năm 2019. Dược Lâm Đồng (LDP) sau khi lãi gần 12 tỷ đồng trong năm 2019 vượt tới 136% kế hoạch kinh doanh, sang năm 2020 LDP dự thảo LNTT sẽ giảm 24% xuống còn hơn 9 tỷ đồng.
Tương tự Dược phẩm Hà Tây (DHT) đã thông qua kế hoạch lãi trước thuế năm 2020 gần như đi ngang so với thực hiện năm trước. Theo DHT, hầu hết những nguyên phụ liệu nhập khẩu đều được mua từ Trung Quốc nên khi dịch bệnh Covid-19 khởi phát và lan tràn ở Trung Quốc đã gây ra tình trạng thiếu hụt nguyên phụ liệu cho sản xuất. Điều này sẽ là thách thức lớn trong năm 2020 đối với ngành dược nói chung và DHT nói riêng.
Một số doanh nghiệp khác của ngành dược hiện chưa công bố KHKD năm 2020 nhưng đang thu hút sự quan tâm lớn của nhà đầu tư như Dược và Trang thiết bị y tế Bình Định - Bidiphar (DBD) khi doanh nghiệp này mới đây đã thông qua chủ trương nới room ngoại lên 100%. Dược Cửu Long (DCL) đã báo lãi ròng cả năm 2019 gấp 7 lần năm trước và Y tế Danameco (DNM) có lợi nhuận sau thuế năm 2019 cũng đạt hơn gấp đôi 2018 lên mức 8,7 tỷ đồng.
Trên sàn niêm yết nhóm cổ phiếu ngành dược từ lâu được xem là nhóm cổ phiếu an toàn cao, bởi sản phẩm kinh doanh có đặc thù liên quan đến sức khỏe. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang có diễn biến phức tạp, một số cổ phiếu dược sẽ được hưởng lợi, từ đó sẽ tạo đà bứt phá. Trong 3 tháng đầu năm 2020 mức tăng giá ấn tượng nhất thuộc về cổ phiếu Y tế DANAMECO (DNM) đã tăng trần liên tiếp trong 6 phiên gần đây lên mức 26.800 đồng/cp tương đương mức tăng 188% so với hồi đầu năm, cổ phiếu Dược phẩm OPC (OPC) tăng 15% đạt 50.000 đồng/cp tuy nhiên ở chiều ngược lại nhiều cổ phiếu dược vẫn chưa thể bứt phá khi nằm trong xu hướng giảm giá chung của thị trường.