Chi tiết 12 phân khu của Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng

Chi tiết 12 phân khu của Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng

CafeLand - Sáng nay (22/5), HĐND TP.Đà Nẵng đã quyết định thông qua Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
 

 

Chi tiết 12 phân khu của Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng
 

 

Theo đó, về định hướng phát triển không gian tổng thể, toàn Thành phố tổ chức thành 12 phân khu, trong đó: 

1.Phân khu Ven sông Hàn và Bờ Đông: Bao gồm khu vực dọc hai bên bờ sông Hàn, sông Cổ Cò và bờ Đông. Giới hạn bởi Vịnh Đà Nẵng và bán đảo Sơn Trà phía Bắc, đường Lê Độ - Nguyễn Hữu Thọ - Võ Chí Công - sông Cổ Cò (nhánh phía Tây Đồng Nò) phía Tây, và tỉnh Quảng Nam phía Nam và biển Đông ở phía Đông.

Gồm một phần quận Thanh Khê: các phường Xuân Hà, Chính Gián, Thạc Gián, Tam Thuận, Tân Chính, Vĩnh Trung; một phần quận Hải Châu: các phường Thanh Bình, Thuận Phước, Thạch Thang, Hải Châu 1, Hải Châu 2, Phước Ninh, Nam Dương, Bình Hiên, Bình Thuận, Hòa Thuận Đông, Hòa Cường Bắc, Hòa Cường Nam; một phần quận cẩm Lệ: các phường Khuê Trung, Hòa Xuân (Khu đô thị Hòa Xuân); toàn bộ quận Sơn Trà (trừ bán đảo Sơn Trà); một phần quận Ngũ Hành Sơn: các phường Mỹ An, Khuê Mỹ, Hòa Hải, Hòa Quý (Đồng Nò).

Tổng diện tích khoảng 6.560 ha; Dân số dự kiến khoảng 461.000 người. 

Là khu đô thị hiện trạng được cải tạo và tái thiết, hình thành đô thị nén khu vực trung tâm Thành phố, tập trung phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch; trọng tâm là Quảng trường trung tâm gắn với Trung tâm hành chính Thành phố; các công viên phần mềm; nút thể thao - văn hóa xung quanh khu vực Tiên Sơn; khu bảo tàng sống; phố đi bộ trên đường Bạch Đằng gắn với công viên APEC, chợ đêm, cầu Nguyễn Văn Trỗi; Tái thiết Khu công nghiệp Đà Nằng, hình thành khu trung tâm kinh doanh thương mại (CBD) mới của Thành phố; Hình thành tuyến phố tài chính trên đường Võ Văn Kiệt với trọng điểm là Dự án Tổ hợp trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ, vui chơi giải trí tổng hợp và casino; Phát triển trung tâm hội nghị, hội thảo quốc tế (MICE); trung tâm giáo dục - đào tạo chất lượng cao, trung tâm y tế thành phố.

Định hướng kết hợp các đặc trưng hiện có và tăng cường đặc trưng mặt nước (sông, biển) thông qua các không gian công cộng ven sông Hàn; là không gian đô thị hiện đại, sôi động ven biển; các khách sạn, khu du lịch, khu nghỉ dưỡng cao cấp đẳng cấp quốc tế; cùng với sự chuyển đổi cảng Tiên Sa thành cảng du lịch biển, định hướng là cửa ngõ du lịch ven biển lớn.

2. Phân khu Ven Vịnh Đà Nẵng: Bao gồm khu vực ven Vịnh Đà Nẵng, là một phần quận Thanh Khê: các phường Xuân Hà, Chính Gián, Thanh Khê Đông, Thanh Khê Tây; quận Liên Chiểu: các phường Hòa Minh, Hòa Khánh Nam, Hòa Khánh Bắc, Hòa Hiệp Nam.

Tổng diện tích khoảng 1.549 ha. Dân số dự kiến khoảng 192.000 người.

Định hướng là khu vực cải tạo và tái thiết đô thị, trở thành khu vực có phong cách sống hỗn hợp dành cho các cư dân thu nhập tầm trung, kết hợp với các hoạt động thương mại và giải trí đa dạng. Đặc trưng của khu vực này là phát triển du lịch, vui chơi giải trí biển ven Vịnh Đà Nẵng. Đặc điểm quan trọng sẽ bao gồm một đường đi dạo ven biển, những khu chung cư tầm trung và các nhà hàng ven biển nhằm thể hiện hình ảnh của một thành phố biển.

 

Tại Kỳ họp, 44/44 đại biểu đã tán thành thông qua Đồ án. Đồ án sẽ được Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng lập thủ tục trình Bộ Xây dựng thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

3. Phân khu Cảng biển Liên Chiểu: Bao gồm một phần phường Hòa Hiệp Bắc, một phần xã Hòa Liên dọc theo sông Cu Đê. Phía Đông giáp Vịnh Đà Nẵng; Phía Nam giáp sông Cu Đê; Phía Bắc và phía Tây giáp Phân khu sinh thái phía Tây.

Tổng diện tích khoảng 1.070 ha. Dân số dự kiến khoảng 12.000 người.

Trọng tâm là phát triển Cảng Liên Chiểu, Cụm Logistics và Khu đô thị cảng biển. Mục tiêu nhằm tăng cường vị thế của Đà Nẵng như một trung tâm logistics quốc tế quan trọng. Các tòa nhà trong khu vực này được bố trí thấp tầng và có diện tích sử dụng lớn.

4. Phân khu Công nghệ cao: Bao gồm một phần quận Liên Chiểu: các phường Hòa Khánh Bắc, Hòa Hiệp Nam; một phần huyện Hòa Vang: các xã Hòa Liên, Hòa Sơn, Hòa Ninh, giới hạn bởi đường ĐT602 phía Nam; sông Cu Đê phía Bắc; đường Nguyễn Lương Bằng phía Đông; đồi núi phía Tây Khu công nghệ cao.

Tổng diện tích khoảng 5.692 ha. Dân số dự kiến khoảng 385.000 người.

Trọng tâm phân khu là Khu công nghệ cao, các khu công nghiệp hiện hữu (Hòa Khánh, Hòa Khánh mở rộng), các khu công nghiệp mới (Khu công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao, Khu công nghiệp Công nghệ thông tin tập trung số 1, số 2) cùng với bến xe phía Bắc, các khu đô thị đã và đang hình thành tại các xã: Hòa Sơn, Hòa Liên, Hòa Hiệp Nam.

Định hướng chú trọng vào phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sạch, thân thiện môi trường, bền vững và hiện đại, cùng với các không gian công cộng lớn, kết nối với Phân khu sinh thái ở phía Tây và sông Cu Đê ở phía Bắc.

5. Phân khu Trung tâm lõi xanh: Được giới hạn bởi Quốc lộ 14B phía Nam, đường tránh Nam Hải Vân phía Tây, đường ĐT602, đường vành đai phía Tây 2 và đường Tôn Đức Thắng phía Bắc, đường Trường Chinh phía Đông.

Bao gồm một phần quận Liên Chiểu: các phường Hòa Khánh Bắc, Hòa Khánh Nam, Hòa Minh; quận Cẩm Lệ: các phường Hòa An, Hòa Phát, Hòa Thọ Tây và huyện Hòa Vang: các xã Hòa Sơn, Hòa Nhơn.

Tổng diện tích khoảng 4.721 ha. Dân số dự kiến khoảng 63.000 người.

Là khu vực đặc trưng bởi các dãy Phước Tường - An Ngãi nhiều cây xanh, tuyến đường cao tốc Bắc - Nam, tuyến đường sắt tốc độ cao và nhà ga đường sắt.

Gìn giữ khu vực này bằng cách: Hoàn nguyên môi trường từ các khu khai thác khoáng sản để xây dựng công viên cây xanh và các khu chức năng đô thị; chuyển đổi bãi rác Khánh Sơn sau khi đóng cửa, nghĩa trang Hòa Sơn sau khi lấp đầy trở thành các công viên cây xanh sinh thái; tập trung nâng cấp, cải tạo các khu vực dân cư hiện trạng; xây dựng mới các khu dân cư tầm trung, đồng thời xây dựng những không gian công cộng mới với nhiều không gian xanh rộng lớn.

6. Phân khu Đổi mới sáng tạo: Được giới hạn bởi Quốc lộ 14B phía Bắc; Cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, Quốc lộ 1A ở phía Tây; Đường Võ Chí Công và Đông Nò phía Đông; tỉnh Quảng Nam phía Nam.

Bao gồm một phần quận Ngũ Hành Sơn: phường Hòa Quý; quận Cẩm Lệ: các phường Hòa Xuân, Hòa Thọ Đông, Hòa Thọ Tây, Khuê Trung; huyện Hòa Vang: các xã Hòa Nhơn, Hòa Châu, Hòa Phước.

Tổng diện tích 3.903 ha. Dân số dự kiến khoảng 225.000 người.

Phát triển các dịch vụ giáo dục, đào tạo, y tế, thể dục - thể thao chất lượng cao. Trọng tâm của phân khu này là Khu đô thị đại học, Trung tâm đổi mới sáng tạo, Công viên phần mềm cùng với các bệnh viện quốc tế, Khu Liên hợp thể thao Hòa Xuân và bến xe phía Nam. Khu vực sẽ đặc trung bởi những tòa nhà quy mô trung bình phù hợp với cảnh quan thiên nhiên để thúc đẩy môi trường đổi mới sáng tạo.

7. Phân khu Sân Bay: Được tập trung quanh sân bay Quốc tế Đà Nẵng, giới hạn bởi đường Điện Biên Phủ phía Bắc; Trường Chinh phía Tây; Nguyễn Hữu Thọ phía Đông; Cách Mạng Tháng Tám phía Nam.

Gồm một phần quận Hải Châu: các phường Hòa Cường Bắc, Hòa Thuận Tây; quận Thanh Khê: các phường Thạc Gián, Chính Gián, Hòa Khê, An Khê; quận Cẩm Lệ: các phường Khuê Trung, Hòa Thọ Đông, Hòa Phát.

Tổng diện tích khoảng 1.327 ha. Dân số dự kiến khoảng 118.000 người.

Trọng tâm của phân khu này là Sân bay và Cụm logistics hiện đại mới. Mục tiêu là tối đa hóa tiềm năng của Sân bay như một trung tâm logistics, đồng thời tận dụng vị trí trung tâm của Sân bay để phát triển thành một trung tâm công cộng tại Đà Nẵng.

8. Phân khu đô thị Sườn đồi: Giới hạn bởi phía Bắc là tuyến đường ĐT602; phía Đông là đường tránh Nam Hải Vân; phía Nam tiếp giáp một phần với Quốc lộ 14G và một phần với đường Bà Nà - Suối Mơ; phía Tây tiếp giáp một phần với tuyến vành đai phía Tây và một phần với tuyến đường quy hoạch mới. Bao gồm một phần huyện Hòa Vang: các xã Hòa Ninh, Hòa Sơn, Hòa Nhơn, Hòa Phú, Hòa Phong.

Có diện tích khoảng 2.757 ha. Dân số dự kiến khoảng 252.000 người.

Đặc trưng phân khu này là không gian xanh được phân bố dọc theo khu vực đồi núi phía Tây, các tòa nhà cao tầng (lên đến 25 tầng), hệ số sử dụng đất cao, mật độ xây dựng thấp nhằm đảm bảo tầm nhìn hướng đến những ngọn núi phía Tây. Khu vực này tập trung vào phát triển bền vững, hài hòa với cảnh quan thiên nhiên, trải nghiệm cuộc sống đô thị trong các khu chung cư cao tầng gắn với những không gian xanh công cộng rộng lớn.

9. Phân khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao: Tọa lạc phía Tây Nam Thành phố, dọc theo tuyến Vành đai phía Tây, gồm một phần huyện Hòa Vang: các xã Hòa Phú, Hòa Phong, Hòa Khương, Hòa Nhơn.

Tổng diện tích khoảng 3.440 ha. Dân số dụ kiến khoảng 12.000 người.

Trọng tâm của phân khu này là định hướng hình thành khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

10. Phân khu Dự trữ phát triển: Giới hạn bởi phía Bắc tiếp giáp một phần với đường Bà Nà - Suối Mơ, tuyến đường quy hoạch mới, Quốc lộ 14G, sông Cẩm Lệ; phía Nam tiếp giáp tỉnh Quảng Nam; phía Đông tiếp giáp Quốc lộ 1A; phía Tây tiếp giáp Phân khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Bao gôm một phần huyện Hòa Vang: các xã Hòa Nhơn, Hòa Phong, Hòa Khương, Hòa Châu, Hòa Tiến, Hòa Phước.

Có diện tích khoảng 5.615 ha. Dân số dự kiên khoảng 53.000 người.

Phân khu này dự trữ phát triển ở giai đoạn sau, từ năm 2030 đến năm 2045. Định hướng tiếp tục cải tạo chỉnh trang các điểm dân cư nông thôn, các khu vực sản xuất nông nghiệp hiện có.

11. Phân khu sinh thái phía Tây: Là toàn bộ vùng núi phía Bắc và phía Tây Thành phố từ dãy núi Bạch Mã Hải Vân và Hòn Chảo, quận Liên Chiểu (phường Hòa Hiệp Bắc) qua các xã Hòa Bắc, Hòa Liên, Hòa Ninh, Hòa Phú đến Hòa Khương thuộc huyện Hòa Vang.

Tổng diện tích khoảng 57.398 ha; Dân số dự kiến khoảng 21.000 người.

Định hướng của phân khu này là phát triển hạn chế dựa trên đa dạng sinh học, cảnh quan thiên nhiên và các hồ chứa nhằm đảm bảo phát triển bền vững. Hình thành các khu du lịch cao cấp (Bà Nà Hills, Công viên suối khoáng nóng núi Thần Tài,...), điểm tham quan du lịch mạo hiểm, sinh thái, cộng đồng cho người dân và du khách gắn với hệ sinh thái rùng núi - biển.

12. Phân khu sinh thái phía Đông: Bao gồm huyện Hoàng Sa với diện tích 30.500 ha và bán đảo Sơn Trà có diện tích khoảng 4.199 ha.

Bán đảo Sơn Trà được định hướng là khu du lịch quốc gia, bao gồm các điểm đến tâm linh và các khu nghỉ dưỡng sinh thái nhằm khai thác các di tích văn hóa, lịch sử và đặc trưng biển - núi - rừng, cần đảm bảo cân bằng giữa bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển bền vững để bảo vệ cảnh quan thiên nhiên và môi trường sinh thái của bán đảo Sơn Trà.

 
N.Đăng

Tin liên quan