Bất động sản bán lẻ: Hàng loạt mặt bằng bị trả lại và bỏ trống vì doanh nghiệp không thể cầm cự được
Có lẽ đây là phân khúc bị ảnh hưởng mạnh nhất bởi dịch Covid-19.
Theo các đơn vị nghiên cứu thị trường, các nhà bán lẻ đang gặp rắc rối và khủng hoảng nghiêm trọng trước dịch Covid 19. Đặc biệt, tính đến giai đoạn giữa và cuối tháng 3/2020 khi Chính phủ bắt đầu chính thức phát hành các loại công văn yêu cầu các nhà bán lẻ về mảng giải trí phải tạm ngưng hoạt động và khuyến cáo người dân ở nhà, hạn chế ra chỗ đông người thì tình hình bán lẻ lại trở nên tồi tệ nghiêm trọng hơn nữa.
Hàng loạt mặt bằng bị trả lại và bỏ trống vì doanh nghiệp không thể cầm cự được qua thời kỳ khủng hoảng. Các TTTM vắng khách qua lại. Người tiêu dùng hình thành sự cẩn trọng trong tiêu dùng và thay đổi hành vi mua sắm.
Các Trung tâm thương mại cũng rất khổ sở khi lượng khách vào mall giảm đến chóng mặt, kể cả những trung tâm thương mại hot nhất cũng không nằm ngoài sự ảnh hưởng. Lượng khách giảm tới 50-90%. Nhiều cửa hàng đã có thông báo xin được hỗ trợ giảm tiền thuê từ chủ nhà, một số cửa hàng thì xin rút khỏi trung tâm hoặc xin đóng cửa tạm thời.
Hiện nay đã có 1 số động thái từ một số trung tâm thương mại lớn về vấn đề hỗ trợ khách thuê trong thời kỳ khủng hoảng này. Tuy nhiên, đây cũng là phân khúc được các chuyên gia dự báo sẽ có thời gian phục hồi khá lâu, nhất là trước bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp.
Bất động sản nghỉ dưỡng - khách sạn: “Công suất phòng khách sạn tại Việt Nam đã giảm 26% trong tháng 2/2020
Không kém gì phân khúc bán lẻ, BĐS nghỉ dưỡng, bao gồm cả loại hình khách sạn chịu ảnh hưởng khá nặng nề từ dịch Covid-19.
Theo các chuyên gia, sự sụt giảm đáng kể của lượng khách quốc tế, trong đó đóng góp một phần lớn là khách Trung Quốc, cùng với sự sụt giảm thị trường khách nội địa, đã gây ra những tổn thất không nhỏ đến các khách sạn, nhà hàng, cũng như các địa điểm tổ chức hội nghị và sự kiện. Theo số liệu từ Savills Việt Nam, công suất phòng khách sạn tại Việt Nam đã giảm 26% trong tháng 2 so với cùng kỳ năm trước.
Lệnh cấm nhập cảnh đối với khách du lịch quốc tế cùng với mối lo ngại lây lan dịch bệnh của khách nội địa đã khiến cho công suất phòng đạt được trong ba tuần đầu tiên của tháng 3 giảm xuống đáng kể xuống còn một chữ số tại phần lớn các điểm du lịch. Trong số các điểm đến ven biển, Đà Nẵng/Hội An đang chịu sự ảnh hưởng nặng nề nhất do những nơi này có sự phụ thuộc lớn vào nguồn khách nước ngoài cùng với lượng lớn nguồn cung gia nhập thị trường, dẫn tới tình trạng hiện nay nhiều dự án chỉ đạt mức công suất dưới 10%. Thậm chí ở một số dự án Chủ Đầu Tư còn đang xem xét việc tạm ngưng hoạt động trong thời gian tới.
Trong tháng 3/2020 này, khách sạn tại các thành phố lớn đã và đang nhận được một lượng lớn yêu cầu hủy phòng, dẫn tới việc sụt giảm công suất xuống chỉ còn một chữ số tại Tp.HCM. Trong bối cảnh rất nhiều khách sạn đã và đang nhận được lượng lớn các yêu cầu hủy phòng như hiện nay, đại diện Savills cho rằng, tháng tới không thật sự tích cực.
Theo số liệu, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã giảm đáng kể trong hai tháng đầu năm. Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Du lịch Việt Nam, lượng khách quốc tế đến nước ta trong tháng 2 giảm 37,7% so với tháng trước, giảm 21,8% so với cùng kỳ năm 2019 và dự kiến sẽ giảm sâu hơn trong những tháng tới.
Tuy nhiên, cũng có những tín hiệu khả quan ở phân khúc này. Theo đại diện Savills, thông thường, sau mỗi cuộc khủng hoảng, ngành du lịch luôn có sự phục hồi mạnh mẽ và sự phục hồi này thường diễn ra trong khoảng 6 tháng. Đặc biệt là ở các thành phố lớn, tiếp theo là khách du lịch tự do (FIT) và khách MICE, sau cùng là khách du lịch theo nhóm. Thị trường du lịch dự kiến sẽ có thể phục hồi hoàn toàn trong khoảng 6 tháng sau khi có những công bố chính thức về việc kiểm soát hoàn toàn đại dịch.
Ngoài ra, có một điều đáng chú ý là tính đến ngày 21/3/2020, đã có 145 dự án Khách sạn & khu nghỉ dưỡng tại Việt Nam đã tự nguyện đăng ký trở thành điểm cách ly. Điều này không chỉ giúp cho các Khách sạn có thể duy trì hoạt động khi nhu cầu lưu trú đang rất thấp mà đây còn được xem là sự hỗ trợ rất có ý nghĩa đối với Chính quyền trong thời gian này. So với Khách sạn, các dự án Căn hộ dịch vụ đạt được mức công suất cao hơn nhờ vào nhóm khách hàng lưu trú dài hạn.
Bất động sản nhà ở: Hoạt động mở bán, giới thiệu bị hủy bỏ, khách quan tâm dự án sụt giảm
Tiến sĩ Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao, Savills Việt Nam nhận định, với phân khúc nhà ở, hiện vẫn còn khá sớm để đánh giá tổng quan sự ảnh hưởng của dịch bệnh. Khi nhà ở là nhu cầu muôn thuở của người dân, thì dịch Covid-19 là giai đoạn thử thách nhất thời của thị trường. Khó khăn nếu có sẽ nằm ở động cơ ra quyết định mua nhà với mục đích để ở sẽ chậm lại, hoặc người mua nhà để bán sẽ thoái lui nhằm bảo toàn nguồn vốn. Thị trường đang ghi nhận sự sụt giảm trong số lượng giao dịch và các chủ đầu tư hiện cũng đang cân nhắc liệu có nên mở bán thêm dự án mới trong tình hình hiện nay hay không. Một điều chắc chắn là nhu cầu nhà ở của khách hàng nước ngoài đã sụt giảm trong thời gian vừa rồi. Cần thêm thời gian để quan sát và đánh giá mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh tới thị trường.
Còn theo đại diện Hiệp hội BĐS Tp.HCM, các sự kiện đông người như quảng bá tiếp thị (PR), bán hàng đều bị hủy bỏ. Tuy nhiên, bất động sản vẫn được coi là một trong những kênh cất giữ tài sản tương đối an toàn trong trường hợp khủng hoảng kinh tế, nhất là phân khúc thị trường nhà ở có giá vừa túi tiền, đáp ứng nhu cầu thực, vẫn tiếp tục giữ vai trò chủ đạo và phát triển bền vững, như thực tiễn đã chứng minh qua các cuộc khủng hoảng đóng băng của thị trường bất động sản các năm 2008, 2011, để củng cố niềm tin và tìm kiếm các giải pháp ứng phó hiệu quả trước những tác động rất nghiêm trọng của đại dịch Covid- 19.
Dường như ở thời điểm này, khách mua nhà đề cao vấn đề sức khỏe hơn là tập trung ở nơi đông người. Vì thế, các kế hoạch giới thiệu, mở bán dự án của doanh nghiệp đều bị ngưng, tạm hoãn. Nhiều doanh nghiệp BĐS phát triển phân khúc căn hộ, nhà phố, đất nền đều chung những khó khăn là doanh thu sụt giảm, cố gắng duy trì công ty cũng như động viên tinh thần nhân viên cùng vượt qua thời điểm khó khăn này.
Tuy nhiên, theo đánh giá của người trong cuộc, so với BĐS nghỉ dưỡng, bán lẻ thì BĐS nhà ở có mức độ ảnh hưởng nhẹ hơn. Nhu cầu mua ở và đầu tư ở phân khúc này vẫn có, mặc dù cũng giảm rõ nét so với thời điểm chưa dịch. Về giá, phân khúc này ghi nhận chưa có sự biến động giá rõ nét như các phân khúc khác. Có chăng, ở thị trường thứ cấp có sự giảm giá nhẹ từ 5-7%. Theo dự báo của chuyên gia, nếu dịch bệnh diễn biến kéo dài thì có thể BĐS thứ cấp sẽ có đợt giảm giá, còn thị trường sơ cấp khó giảm vì còn liên quan nhiều yếu tố.